Biển Hồ còn được người bản địa gọi là Ia Nueng hoặc hồ T’nưng là một hồ nước ngọt nằm cách thành phố Pleiku 7 km về phía Tây Bắc, có độ cao khoảng 800 mét so với mực nước biển. Nguồn nước Biển Hồ được gìn giữ vệ sinh nghiêm ngặt, vì đây là hồ nước ngọt cung cấp nước cho thành phố Pleiku.
Biển Hồ gồm 2 hồ chứa nước thông nhau, rộng gần 300 ha, nước trong xanh màu ngọc bích, nằm giữa một vùng núi cao, có một dải đất chạy dài ra giữa lòng hồ tạo cho khách tham quan có thể nhìn được toàn cảnh Biển Hồ.
Con đường xuống Biển Hồ uốn lượn đẹp như tranh vẽ, hai bên ngút ngàn thông xanh mát mắt. Nơi cuối đường là các bậc tam cấp bằng đá dẫn khách tham quan chiêm ngưỡng sự thơ mộng của Biển Hồ. Nơi đây trước kia là đài vọng để du khách ngắm Biển Hồ.
Ngày 30/11/2018, tỉnh Gia Lai cho tái phục chế lại tượng Quán Thế Âm Bồ Tát bằng đá cẩm thạch trắng, cao 15m. Biển Hồ trở thành một điểm du lịch văn hóa tâm linh sinh thái do Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao thành phố Pleiku quản lý.
Ông Nguyễn Xuân Ánh, người trông coi khu tượng phật Quán Thế Âm Bồ Tát trong khuôn viên Biển Hồ, cho biết: Trước đây, Biển Hồ đã có nhiều khách du lịch ghé thăm.
Từ khi có thêm tượng phật Quán Thế Âm được phục chế, lượng du khách đổ về tham quan Biển Hồ nhiều hơn vì nó còn liên quan đến vấn đề tâm linh của người dân. Mỗi ngày có hàng trăm lượt du khách đến đây tham quan, ngắm cảnh và chiêm ngưỡng tượng phật.
Mỗi mùa Biển Hồ lại có một điểm thú vị khác nhau. Mùa khô nước vơi, để lộ những dải đất bazan màu mỡ, nơi nhiều loài chim quý đến kiếm ăn. Mùa mưa nước dâng cao, tạo sóng lớn vỗ bờ như sóng biển. Dịp Tết Nguyên Đán là thời điểm đẹp nhất trong năm để ngắm Biển Hồ.
Thời tiết chuyển mình sang xuân se lạnh, mặt nước hồ trong xanh, cây hoa đâm chồi nẩy lộc, cảm giác yên bình. Thời điểm này, bình minh ở Biển Hồ, sương giăng kín mặt hồ mờ ảo và cái lạnh của Pleiku thời điểm rất thú vị, vì lạnh nhưng không buốt, đủ để du khách cảm nhận được cái lạnh vùng đất đỏ bazan.
Chiều xuống, hoàng hôn trên Biển Hồ cũng là điểm níu chân du khách bởi ánh mặt trời xuyên qua các tán thông tạo khung cảnh lãng mạn, khó quên của núi rừng Tây Nguyên.
Biển Hồ là hồ tự nhiên, hoang sơ và thơ mộng, khí hậu trong lành, mát mẻ quanh năm, được đánh giá là hồ tự nhiên đẹp nhất ở Tây Nguyên. Theo các nghiên cứu khoa học, Biển Hồ chính là miệng núi lửa đã nhưng hoạt động hàng triệu năm nay. Còn đối với người dân tộc thiểu số nơi đây, Biển Hồ gắn với nhiều truyền thuyết thú vị.
Già làng Ksor Kril, làng Sơ, xã Biển Hồ, thành phố Pleiku kể: Người Jrai là dân tộc đông nhất cư trú trên địa bàn tỉnh Gia Lai, các người già trong làng truyền lại cho con cháu rằng Biển Hồ có hai hồ nước lớn và nhỏ thông nhau, thuộc hai làng gần kề.
Tại đây, có hai chị em sinh ra trong một gia đình nhưng lấy chồng ở hai làng gần nhau. Làng người chị (Yă Chao) ở có một hồ nước lớn và gia đình người em (Yă Num) ở ngôi làng có hồ nước nhỏ. Vào một hôm, hai chị em đang cùng hái măng rừng, bỗng nghe trong bụi rậm có tiếng kêu la của lợn rừng. Do tò mò, hai chị em lại xem và phát hiện cả đàn lợn rừng con.
Sau một hồi đuổi bắt, hai chị em cũng bắt được một chú lợn rừng con mang về nuôi. Chú lợn được nuôi ở nhà người chị, nó không ăn rau mà chỉ ăn đất cát. Người chị lấy làm lạ và đưa thử chú lợn sang nhà người em để xem nó có ăn thức ăn khác không và vì chuyện lạ như thế nên người chị thề độc rằng cả nhà chị sẽ không ăn thịt chú lợn nếu ăn sẽ bị thần linh trừng phạt.
Chú lợn con cứ lớn dần ở nhà người em, cho đến ngày người em tổ chức lễ trả ơn cho chị, trong nhà chẳng có gì quý đành giết thịt chú lợn đó để làm lễ tạ ơn.
Người em sau đó đã chia thịt cho nhà người chị, tuy nhiên vì lời thề năm xưa nên người chị đã không ăn nhưng đứa con của người chị khóc lóc đòi ăn. Trước cảnh ăn uống thiếu thốn, nhìn con ốm o, than khóc vì đói người chị đành nướng một miếng thịt lợn rừng cho cháu ăn.
Đứa bé vừa ăn xong miếng thịt, xung quanh trời đất bỗng rung chuyển, nhà cửa bốc cháy, đất bị sụt lún, nước dâng lên bao phủ cả hai ngôi làng. Trong chốc lát hai ngôi làng chìm trong biển nước, tạo thành hai hồ nước lớn, nhỏ thông nhau. Vì diện tích hồ lớn nên vào mùa mưa, sóng lớn đánh như biển nên người dân thường gọi là Biển Hồ.
Cho dù là miệng núi lửa ngưng hoạt động hay truyền thuyết của các dân tộc thiểu số tương truyền thì Biển Hồ vẫn lung linh, thơ mộng trong mắt các văn nghệ sỹ từng đến đây. Đã có khá nhiều tác phẩm văn, thơ, nhạc ra đời từ cảnh đẹp của Biển Hồ. Chính vì thế, nơi đây là điểm đến đầu tiên của du khách khi đến với phố núi Gia Lai.
Ông Bùi Văn Trung, Giám đốc Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao thành phố Pleiku, cho biết: Từ năm 2018, UBND thành phố Pleiku đã bàn giao Khu Di tích lịch sử-văn hóa Biển Hồ cho đơn vị quản lý. Dịp Tết Nguyên Đán Kỷ Hợi 2019, du khách vào tham quan khu di tích sẽ gửi xe phía trước cổng.
Vé vào cổng bán từ mùng 1 Tết với giá 10.000 đồng/người lớn, miễn phí cho trẻ em. Vì mới tôn tạo lại nên thời gian tới, đơn vị sẽ phối hợp với các cơ quan, ban, ngành liên quan lên phương án trồng thêm cây xanh, hoa, cỏ trong khuôn viên Di tích lịch sử-văn hóa Biển Hồ. Đồng thời, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng buôn bán trong khuôn viên Biển Hồ để đảm bảo nguồn nước sạch cung cấp cho toàn thành phố.
Đến với Biển Hồ, du khách sẽ thỏa mắt với làn nước trong veo như được nhìn vào đôi mắt sâu của người con gái Pleiku mà lời bài hát của nhạc sỹ Nguyễn Cường đã gắn liền Biển Hồ với thành phố Plieku thơ mộng: “Em đẹp thế Pleiku ơi! Trái tim tôi muốn vỡ tan rồi! Không dám nhìn vào đôi mắt ấy, đôi mắt Pleiku-Biển Hồ đầy!”.